Trường THCS&THPT Hòa Bình - Vĩnh Long

https://thpthoabinhvl.edu.vn


Những điểm mới trong tổ chức thi THPT quốc gia 2017

Thi THPTQG

Thi THPTQG

Bộ GD&ĐT trả lời về những điểm mới trong tổ chức thi THPT quốc gia năm 2017 được quy định trong quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT.


Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 được tổ chức theo tinh thần Nghị quyết 29-NQTW về đổi mới bản và toàn diện GD&ĐT, trong đó đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ theo hướng giảm áp lực, giảm tốn kém cho thí sinh, gia đình và xã hội nhưng kết quả vẫn bảo đảm độ tin cậy để xét tốt nghiệp THPT và làm căn cứ cho các ĐH, CĐ sử dụng trong tuyển sinh.

Từ năm 2015, Kỳ thi THPT quốc gia đã được tổ chức. Các kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 và 2016 đã được tổ chức thành công, sau mỗi năm có những điều chỉnh, hoàn thiện tốt hơn.

Tuy nhiên, với cách thức tổ chức thi như những năm qua, vẫn còn một điểm hạn chế, có thể được cải tiến để tốt hơn.

Cụ thể là: Vẫn tồn tại 2 loại cụm thi trong mỗi địa phương; kỳ thi được tổ chức trong 4 ngày với 8 môn thi nên vẫn nặng nề; việc tổ chức thi 8 môn với 4 môn theo hình thức tự luận tạo điều kiện để học sinh học tủ, học lệch…

Để từng bước khắc phục các hạn chế trên, Kỳ thi THPT quốc gia 2017 được tổ chức trên cơ sở phát huy những mặt tích cực của Kỳ thi 2015, 2016 với những điều chỉnh phù hợp để Kỳ thi gọn nhẹ hơn nhưng vẫn đạt được mục tiêu đề ra. Một số điểm mới của Kỳ thi được quy định trong quy chế là:

Mỗi tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương (gọi là các tỉnh) tổ chức một cụm thi với các Điểm thi được đặt ở các trường hoặc liên trường THPT ở các huyện/thị tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh dự thi;

Tham gia coi thi, chấm thi là giáo viên các trường phổ thông và cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ có ngành đào tạo giáo viên. Sự tham gia này để các trường ĐH, CĐ chia sẻ trách nhiệm, cùng phối hợp với các Sở GD&ĐT chủ trì cụm thi để tổ chức Kỳ thi an toàn, nghiêm túc, khách quan;

Tổ chức thi 5 bài thi: Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (KHTN) và Khoa học Xã hội (KHXH). Môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các bài thi khác theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Với hình thức thi này sẽ hướng tới học sinh học tập toàn diện, khắc phục dần tình trạng học tủ, học lệch;

Kỳ thi được tổ chức trong 2,5 ngày tạo thuận lợi cho thí sinh. Bộ GD&ĐT sẽ có lịch thi cụ thể trong văn bản hướng dẫn thực hiện Quy chế thi để các nhà trường, giáo viên biết và thực hiện;

Trong Quy chế cho phép và khuyến khích học sinh ngoài thi các bài thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) thì có thể đăng ký thi cả 2 bài thi tự chọn (KHTN và KHXH) để tăng thêm cơ hội xét tuyển vào các ĐH, CĐ và khuyến khích các em học tập toàn diện hơn;

Nội dung đề thi nằm trong chương trình lớp 12, với các câu hỏi ở mức độ cơ bản để đáp ứng mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và có những câu hỏi nhằm phân hóa kết quả thi của thí sinh, đáp ứng mục tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ. Để đảm bảo độ tin cậy của kết quả thi, mỗi thí sinh trong cùng phòng thi có một mã đề thi chuẩn hóa riêng;

Tiếp tục sử dụng kết quả học tập trong năm lớp 12 với kết quả các bài thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT, đây là cụ thể hóa sự kết hợp đánh giá trong quá trình với đánh giá cuối kỳ, cuối năm học theo tinh thần Nghị quyết 29.

Những điều chỉnh, đổi mới trong Kỳ thi THPT quốc gia 2017 đã được Bộ GD&ĐT sớm công bố từ đầu năm học và đã được tổ chức triển khai thực hiện trong các nhà trường phổ thông. Bộ GD&ĐT cũng đã sớm công bố đề thi minh họa và đề thi thử nghiệm để giáo viên, học sinh tham khảo, có định hướng trong dạy học và ôn tập.

PV

Xem tin gốc
 

Nguồn tin: Báo Giáo dục & Thời đại

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây