Trường THCS&THPT Hòa Bình - Vĩnh Long

https://thpthoabinhvl.edu.vn


Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể được công bố

Giáo dục

Giáo dục

Bộ GD-ĐT đã thông qua Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể làm căn cứ xây dựng dự thảo các chương trình môn học và hoạt động giáo dục.


Chương trình giáo dục phổ thông chia thành 2 giai đoạn: giáo dục cơ bản (1-9) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (10-12) với các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, các môn học tự chọn. Thời gian thực học trong 1 năm học tương đương 35 tuần. Các cơ sở giáo dục có thể tổ chức dạy học 1 buổi/ngày hoặc 2 buổi/ngày nhưng đều phải thực hiện nội dung giáo dục bắt buộc chung thống nhất đối với tất cả cơ sở giáo dục trong cả nước.

Giai đoạn giáo dục cơ bản

Cấp tiểu học, bắt buộc: Tiếng Việt; Toán; Đạo đức; Ngoại ngữ 1 (ở 3, 4, 5); Tự nhiên và xã hội (ở lớp 1, 2, 3); Lịch sử và Địa lý (ở lớp 4, 5); Khoa học (ở lớp 4, 5); Tin học và Công nghệ (ở lớp 3, 4, 5); Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm (trong đó có nội dung giáo dục của địa phương);

Nội dung môn Giáo dục thể chất được thiết kế thành các học phần (mô-đun); nội dung Hoạt động trải nghiệm được thiết kế thành các chủ đề; học sinh được lựa chọn học phần, chủ đề phù hợp với bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.

Tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 1 (ở lớp 1, lớp 2). Thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học. Mỗi tiết học từ 35 phút đến 40 phút; giữa các tiết học có thời gian nghỉ. Cơ sở giáo dục chưa đủ điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày thực hiện kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Cấp THCS, nội dung giáo dục: các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc: ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục công dân; Lịch sử và Địa lý; Khoa học tự nhiên; Công nghệ; Tin học; Giáo dục thể chất; Nghệ thuật; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương.

Mỗi môn học Công nghệ, Tin học, Giáo dục thể chất được thiết kế thành các học phần; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được thiết kế thành các chủ đề; học sinh được lựa chọn học phần, chủ đề phù hợp với bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.

Các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc đều tích hợp nội dung giáo dục hướng nghiệp; ở lớp 8-9, các môn học Công nghệ, Tin học, Khoa học tự nhiên, Nghệ thuật, Giáo dục công dân, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và Nội dung giáo dục của địa phương có học phần hoặc chủ đề về nội dung giáo dục hướng nghiệp.

Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

Thời lượng giáo dục: Mỗi ngày 1 buổi, mỗi buổi không quá 5 tiết. Mỗi tiết 45 phút, giữa các tiết học có thời gian nghỉ. Khuyến khích các trường THCS đủ điều kiện dạy 2 buổi/ngày theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp

Nội dung giáo dục bắt buộc: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục thể chất; GDQP-AN; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương. Môn Giáo dục thể chất được thiết kế thành các học phần; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được thiết kế thành các chủ đề; học sinh được lựa chọn học phần, chủ đề phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.

Các môn học được lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp gồm 3 nhóm: Khoa học xã hội: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật; Khoa học tự nhiên: Vật lý, Hóa học, Sinh học; Công nghệ và Nghệ thuật: Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật. Nội dung mỗi môn thuộc nhóm này được thiết kế thành các học phần, học sinh được lựa chọn học phần phù hợp với bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.

Học sinh chọn 5 môn học từ 3 nhóm trên, mỗi nhóm ít nhất 1 môn.

Các chuyên đề học tập: Mỗi môn học Ngữ văn, Toán, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật có một số chuyên đề học tập tạo thành cụm chuyên đề học tập của môn học nhằm thực hiện yêu cầu phân hóa sâu, giúp học sinh tăng cường kiến thức và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp.

Thời lượng dành cho mỗi chuyên đề học tập từ 10 đến 15 tiết; tổng thời lượng dành cho cụm chuyên đề học tập của một môn là 35 tiết. Ở mỗi lớp 10, 11, 12, học sinh chọn 3 cụm chuyên đề học tập của 3 môn học phù hợp với nguyện vọng của bản thân và điều kiện tổ chức của nhà trường.

Các trường có thể xây dựng các tổ hợp môn học từ 3 nhóm môn học và chuyên đề học tập nói trên sao cho phù hợp với điều kiện của nhà trường. Học sinh có thể đăng ký học ở một cơ sở giáo dục khác những môn học và chuyên đề học tập mà trường đang theo học không có điều kiện tổ chức dạy.

Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

Thời lượng giáo dục: Mỗi ngày học 1 buổi, mỗi buổi không quá 5 tiết học. Mỗi tiết học 45 phút, giữa các tiết học có thời gian nghỉ. Khuyến khích các trường THPT đủ điều kiện dạy 2 buổi/ngày theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Theo Bộ GD&ĐT, chương trình tổng thể sẽ được tiếp tục xem xét để ban hành chính thức cùng với các chương trình môn học và hoạt động giáo dục.

Chi tiết chương trình xem tại đây

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây