Trường THCS&THPT Hòa Bình - Vĩnh Long

https://thpthoabinhvl.edu.vn


Dạy Ngữ văn thời 4.0

GD

GD

Đổi mới phương pháp dạy học nhằm chú trọng phát triển kỹ năng, năng lực của học sinh là phương hướng phù hợp với nhịp độ phát triển của thời đại 4.0. Nắm được phương pháp trên và đưa vào ứng dụng giảng dạy môn Ngữ văn ở trường THPT đối với các giáo viên là điều hết sức quan trọng để có thể góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong thời kỳ hiện đại.


Dạy Ngữ văn bằng trải nghiệm thực tế

Là một giáo viên có 18 năm trong nghề, cô Nguyễn Thị Tuyết, giáo viên môn Ngữ văn Trường THPT Hoài Đức (Hà Nội) chia sẻ những trăn trở khi dạy và học môn Ngữ văn trong thời kỳ văn hóa nghe, nhìn đã và đang đe dọa văn hóa đọc.

Theo cô Tuyết, vài năm trở lại đây, sự thích thú, đam mê đối với môn Ngữ văn của học sinh đã không còn như xưa. Cô nói: “So sánh ngay cả thế hệ chúng tôi với thế hệ các em, dù chỉ chênh nhau vài tuổi nhưng niềm hứng thú đối với môn Ngữ văn đã giảm sút đi rất nhiều.

Lý do thì có nhiều, nhưng dễ nhận thấy nhất là do bối cảnh xã hội đã thay đổi, hiện nay các em chỉ chủ yếu chọn các môn học tự nhiên để lựa chọn những ngành nghề liên quan đến cuộc sống trực tiếp sau này. Từ thực tế đó, để thu hút được học sinh đến với môn Văn, giáo viên buộc thay đổi phương pháp”.

Theo cô Tuyết, hoạt động trải nghiệm trong môn Ngữ văn là vô cùng cần thiết và bổ ích. Đây cũng được coi là phương pháp thật sự ưu việt cho sự phát triển năng lực sáng tạo, giúp các em tự chiếm lĩnh kiến thức, hình thành các kĩ năng, giá trị và phẩm chất của bản thân.

Ví dụ, hoạt động trải nghiệm với chủ đề Văn học dân gian không chỉ bổ sung kiến thức trong nhà trường, mà còn giúp các em thêm trân trọng các giá trị văn hóa cổ truyền dân tộc, bồi dưỡng lòng tự hào dân tộc. Hoạt động trải nghiệm khi học các tác phẩm kí trong chương trình 12 còn cần thiết hơn nữa, khi đặc trưng của kí là một sự ghi chép có chọn lọc mang giá trị nghệ thuật của nhà văn… Tất cả những việc làm đó cuối cùng để trả lời một câu hỏi lớn cho học sinh hiện nay là: Học Văn để làm gì? Từ đó các em thấy rằng văn học không phải là một môn học xa rời thực tế.

Hiện nay hoạt động trải nghiệm trong việc học Văn chủ yếu được thực hiện ở các cấp học cao hơn như đại học, cao đẳng. Còn ở trường phổ thông, hoạt động trải nghiệm còn hạn chế cả ở số lượng lẫn chất lượng. Vì thế cần phát huy hơn nữa vai trò của hoạt động trải nghiệm trong nhà trường phổ thông.

Áp dụng công nghệ vào giảng dạy

Trong xây dựng Chương trình, sách giáo khoa mới hiện nay, mục tiêu đặt ra không chỉ chú trọng truyền thụ kiến thức mà còn hướng đến phát huy phẩm chất, năng lực của học sinh. Điều đó đòi hỏi đội ngũ giáo viên cần vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy học.

Cô Hà Hồng Chuyên, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Việt Nam - Ba Lan (Hà Nội) cũng cho rằng, khi được học tập dưới dạng hoạt động trải nghiệm, học sinh rất tích cực tham gia. Chẳng hạn, giáo viên có thể đưa học sinh đi thực tế để các em hiểu được văn hóa, con người, đời sống xã hội của Hà Nội giai đoạn 1930 - 1945 được phản ánh qua văn học.

Từ các tác phẩm đó, học sinh đi ra thực tế, khai thác dữ liệu trong cuộc sống như tìm hiểu các di tích lịch sử, phỏng vấn nhân vật, phỏng vấn du khách hay có những thước phim về cuộc sống của người Hà Nội. Qua trải nghiệm từ thực tiễn, các em sẽ có những cảm nhận trong cách viết và diễn đạt.

Theo cô Chuyên, trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, các em có nhiều lựa chọn để tiếp cận tri thức, thì việc áp dụng công nghệ vào dạy Văn học sẽ có những tác dụng tốt. Bởi các giá trị của nhiều tác phẩm văn học kinh điển đều đã được chuyển thể bằng điện ảnh; việc sử dụng những hình ảnh đó sẽ giúp các em có cái nhìn trực quan, sinh động cho bài học. Có như thế, giờ học môn Ngữ văn mới lan truyền cảm hứng, tạo sự thích thú cho các em.

Dạy Ngữ văn ngày nay không đơn thuần chỉ là công việc rao truyền những giá trị nghệ thuật mà các bậc thầy văn chương đã sáng tạo nên, trong phạm vi của những trang sách, mà xa hơn cần tạo ra một cơ chế để người học có thể sử dụng văn chương như là một trong những kỹ năng của đời thường, một trong những vốn liếng để thực hành vào thực tiễn. Người thầy cần làm sáng rõ vấn đề này và khơi dậy những nỗ lực sáng tạo từ người học, để quá trình vận dụng văn chương vào cuộc sống trở thành một nhu cầu tự thân, bức thiết và tất yếu.

Lê Đăng

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây