Nhưng, bởi tri thức vô cùng, vô tận, một người không thể tự nắm bắt được tất cả, vì vậy đòi hỏi quá trình giao lưu, trao đổi tri thức với nhau. Cách thức làm việc nhóm sẽ giúp ích cho học sinh rất nhiều trong việc này.
Khẳng định vai trò quan trọng của làm việc nhóm như trên, thầy Vũ Công Trung (Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội) chia sẻ những lưu ý trong việc tiến hành tổ chức, quản lý hoạt động nhóm khi dạy học
Phân nhóm
Theo thầy Vũ Công Trung, việc phân nhốm cần thực hiện sao cho giáo viên có thể theo dõi, đánh giá, nhưng đồng thời cũng đảm bảo phát huy tính tích cực của mỗi học sinh.
Về lý thuyết, mỗi nhóm lý tưởng nhất gồm 4 - 6 thàng viên. Trong thực tế, tùy theo quỹ thời gian môn học và quy mô lớp học, giáo viên có thể thay đổi linh hoạt. Tuy nhiên, một nhóm muốn hoạt động hiệu quả cần phải có cơ cấu tổ chức chặt chẽ.
Cơ cấu của nhóm gồm: Một nhóm trưởng có trách nhiệm tổ chức, điều hành mọi hoạt động của nhóm, nhóm trưởng có thể do các thành viên trong nhóm bầu lên hoặc do giáo viên chỉ định. Trưởng nhóm cần có năng lực, nhiệt tình và uy tín.
Một nhóm phó (nếu quy mô nhóm lớn) để thay thế, hỗ trợ nhóm trưởng khi nhóm trưởng vắng mặt.
Một thư ký để ghi chép nội dung, diễn biến các cuộc họp, thảo luận của nhóm.
Lựa chọn chủ đề
Việc lựa chọn chủ đề rất quan trọng. Chủ đề quá khó hoặc quá dễ đối với học sinh đều ảnh hưởng đến hoạt động thảo luận của học sinh.
Vấn đề thảo luận cần hấp dẫn, có tính chất kích thích tính tích cực chủ động làm việc của học sinh. Chủ đề thảo luận phải là vấn đề chính của bài học, vấn đề có thể có nhiều hướng khai thác khác nhau, nhiều cấp độ nhận thức khác nhau. Thường là loại cấp độ phát hiện và suy luận.
Tùy vào từng môn học, có thể lựa chọn những chủ đề gắn liền với những sự kiện có thật ở Việt Nam và trên thế giới, hoặc những chủ đề cho học sinh đi thực tế để làm thảo luận nhóm.
Chủ đề thảo luận nhóm có thể là những chủ đề để cho các nhóm về nhà chuẩn bị, hoặc cũng có thể là những chủ đề học sinh thảo luận ngay tại chỗ, trong đó lưu ý:
Phải đặt ra nhiệm vụ cụ thể của từng nhóm bằng câu hỏi. Câu hỏi phải rõ ràng, không mập mờ, đánh đố.
Phải có hướng dẫn cụ thể về yêu cầu và định hướng cách thức làm việc. Thời gian thảo luậ phải tương ứng với nội dung yêu cầu của vấn đề thảo luận.
Bố trí thời gian
Vấn đề tiếp theo thầy Vũ Công Trung lưu ý là chú ý bố trí thời gian vì hoạt động nhóm cần diễn ra thường xuyên và xen kẽ với hoạt động thuyết giảng của giáo viên.
Việc xen kẽ giúp học sinh đỡ nhàm chán và giáo viên kịp thời nắm bắt mức độ tiếp thu của học sinh, từ đó định hướng điều chỉnh, bổ sung kiến thức, tài liệu tham khảo cho học sinh.
Với những chủ đề học sinh về nhà chuẩn bị thì phải xác định thời gian cụ thể khi nào sẽ thuyết trình, thời gian là bao nhiêu.
Đảm bảo mọi thành viên trong nhóm đều phải làm việc
Thầy Vũ Công Trung cho rằng, tổ chức thảo luận nhóm theo ngẫu nhiên hoặc để học sinh chọn người thuyết trình, làm sao đảm bảo mọi thành viên trong nhóm đều phải làm việc, tránh tình trạng ỷ lại vào người khác.
Nếu nhóm nào có người không chuẩn bị bài mà nhóm trưởng không chịu báo thì cả nhóm sẽ bị trừ điểm. Giáo viên tạo không khí lớp học sôi nổi bằng cách cho các thành viên trong lớp được thảo luận về vấn đề mà học sinh trình bày. Giáo viên chỉ đống vai trò như cầu nối để các học sinh làm việc với nhau.
Khi một nhóm thuyết tr ình, các nhóm còn lại chú ý theo dõi và sau đó sẽ tiến hành nhận xét, đặt ra những câu hỏi. Nhóm có câu hỏi hay và nhận xét chính xác cũng được cộng điểm.
Nhưng để đảm bảo cho mọi thành viên lớp đều chú ý lắng nghe, giáo viên có thể chỉ bất kỳ thành viên của các nhóm nhận xét và đưa ra câu hỏi.
Giáo viên chọn ra những câu hỏi hay để nhóm thuyết trình trả lời. Ngoài vấn đề đã được chuẩn bị trước, giáo viên có thể đặt ra những câu hỏi bất ngờ, nhưng câu hỏi gợi sức sáng tạo từ phía học sinh.
Trong quá trình học sinh thảo luận, giáo viên đi tới từng nhóm, lắng nghe, gợi mở và thăm dò xem nhóm nào làm việc hiệu quả hơn thì mời nhóm đó trình bày trước lớp, các nhóm khác ngồi lắng nghe rồi nhận xét. Khi có được cả kỹ năng tự học và kỹ năng làm việc nhóm, học sinh sẽ có thói quen chủ động và cầu tiến trong việc học.
Đánh giá hoạt động nhóm
Người thầy đánh giá là cần thiết, nếu đánh giá chi tiết mặt tốt, chưa tốt của sản phẩm, so sánh sản phẩm của các nhóm với nhau để học sinh nhận ra được những ưu khuyết của mình rồi nêu lên kết luận thì học sinh sẽ hiểu sâu sắc và nắm vững vấn đề.
Bên cạnh đó, giáo viên để học sinh tự đánh giá kết quả làm việc của nhóm; cho các nhóm đánh giá kết quả làm việc của nhau.
Giáo viên đánh giá, nhận xét kết quả làm việc của các nhóm - công việc này có thể tiến hành song song hoặc sau khi có sự đánh giá giữa các nhóm với nhau.
Giáo viên nên nhận xét cụ thể, khách quan và tốt nhất nên cho điểm để khích lệ tinh thần học tập của học sinh. Điểm của từng học sinh được tính trên cơ sở điểm trung bình của nhóm có tính đến mức độ đóng góp của từng cá nhân đóng góp vào hoạt động nhóm.
Vai trò giáo viên
Hãy tạo nên không khí lớp học thật sôi nổi và thoải mái bằng cách tăng cường sự đối thoại giữa thầy và trò. Bên cạnh kiến thức từ sách vở, cần cung cấp cho học sinh nhiều kiến thức thực tế.
Trong làm việc nhóm, giáo viên vẫn phải có một nhiệm vụ quan trọng là tổng kết lại các vấn đề đã thảo luận, đánh giá những ý kiến đúng sai và giải quyết thắc mắc của học sinh xung quanh vấn đề đó. Việc tổng kết này rất quan trọng vì sẽ giúp học sinh nắm được những kiến thức cơ bản, cần thiết.
Bài trao đổi được biên tập từ tham luận của thầy Vũ Công Trung (Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội) tại hội thảo "Kĩ năng đặt câu hỏi và tổ chức hoạt động nhóm nhằm phát triển năng lực cho học sinh".
Nguồn tin: Báo Giáo dục & Thời đại
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tên trường: Hiện tại: Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Hòa Bình. Tiền thân: Trường Trung học cấp 2-3 Hòa Bình (Trước đó là Trường Trung học cơ sở Hòa Bình). Logo trường hiện tại: Được thiết kế từ năm 2011: Tải logo trường kích thước 222x222px: logo-hb-222 Tải logo...