Ngày Nước thế giới (22/3) có chủ đề “Nước và Biến đổi khí hậu”
"Sử dụng nước hiệu quả là trách nhiệm của mỗi chúng ta"
Tài nguyên nước và khí hậu luôn có mối quan hệ hữu cơ lẫn nhau. Chế độ khí tượng thủy văn dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra ngày càng thường xuyên và khó dự đoán, làm ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn tài nguyên nước mặt và nước ngầm. Theo số liệu của UNICEF (năm 2019) thì hiện nay có khoảng gần 1/3 tổng dân số thế giới không có nước uống hợp vệ sinh và an toàn. Vì vậy, Liên hợp quốc chọn chủ đề Ngày Nước thế giới năm 2020 là “Nước và Biến đổi khí hậu”.
Thông điệp Ngày Nước thế giới (22/3) để cộng đồng hướng đến: Cấp thiết phải đo đạc giám sát lượng mưa trên phạm vi toàn cầu để xây dựng một cơ sở dữ liệu chung, chia sẻ cho các mục đích khác nhau, từ nghiên cứu khoa học đến quản lý tài nguyên nước để sử dụng tối ưu nguồn nước cho phát triển kinh tế - xã hội và phòng chống thiên tai; Sử dụng tài nguyên nước hiệu quả, bền vững chính là thích ứng với biến đổi khí hậu. Hãy góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu thông qua việc thay đổi các thói quen sử dụng nước hằng ngày.
Biến đổi khí hậu đang diễn ra từng ngày, từng giờ gây ra những hậu quả nghiêm trọng như tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước trên phần lớn các khu vực ở nước ta như hiện nay. Điều đó chứng minh trên thực tế, tài nguyên nước bị tác động mạnh nhất và trực tiếp nhất trước diễn biến của biến đổi khí hậu, kéo theo các vấn đề về dân sinh, kinh tế và môi trường. Chính vì vậy, các giải pháp quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nước đóng vai trò quan trọng, đảm bảo an ninh nguồn nước và phát triển bền vững.
Ngày Khí tượng thế giới năm 2020 có chủ đề "Khí hậu và Nước"
Chủ đề Ngày Khí tượng thế giới năm 2020 là "Khí hậu và Nước" với khẩu hiệu "Đo đếm từng hạt mưa - Chắt chiu từng giọt nước".
Việt Nam được biết đến là một đất nước có rất nhiều bão, lũ hàng năm, đặc biệt có nhiều dòng sông xuyên biên giới. Song song với nỗ lực quản lý nhà nước và tạo điều kiện cho việc thu thập và chia sẻ dữ liệu về mưa, về nước là cơ sở cho các hoạt động giám sát và dự báo thủy văn, cũng như cảnh báo sớm về lũ lụt và hạn hán. Tuy nhiên, công tác quan trắc, dự báo khí tượng thủy văn luôn là nhiệm vụ khó khăn và phức tạp, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra và tác động đến các điều kiện tự nhiên làm cho các loại thiên tai ngày càng “dị thường hơn, cực đoan hơn” cả về tần suất lẫn cường độ, nhất là các thiên tai liên quan đến mưa, nước.
Theo đó, ngành tài nguyên và môi trường mong muốn nhận được sự chia sẻ và tham gia tích cực chủ động của các cấp chính quyền và nhân dân trong việc giảm thiểu rủi ro thiên tai về nước và khí hậu để không ai bị bất ngờ bởi lũ lụt và có đủ thời gian để ứng phó với hạn hán. Với vai trò giám sát, theo dõi và dự báo cảnh báo diễn biến của nguồn nước nói chung, cụ thể là dự báo thời tiết, thủy văn đón đầu những vận động của thiên nhiên phục vụ cho đời sống cộng đồng cần có những hành động thay đổi mạnh mẽ, cụ thể: Hoàn thiện hệ thống thể chế, hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách phục vụ cho hoạt động khí tượng thủy văn phát triển. Khuyến khích, đa dạng hóa, xã hội hóa hoạt động khí tượng thủy văn, tạo cơ sở phát triển thị trường dịch vụ khí tượng thủy văn, tiến tới xây dựng nền công nghiệp khí tượng thủy văn ở nước ta.
Tăng cường giám sát, quản lý thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, số hóa và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn quốc gia tập trung, đồng bộ, hiện đại, sử dụng các công nghệ dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và các kiến trúc của khoa học công nghệ 4.0 để quản lý, khai thác, chia sẻ và thực hiện các dịch vụ khí tượng thủy văn.
Tăng cường nguồn lực cho các hoạt động khí tượng thủy văn quan trọng, ưu tiên đẩy nhanh tiến độ tự động hóa mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn, quan trắc nguồn nước, xâm nhập mặn; tăng mật độ trạm đo ở vùng thượng nguồn các con sông, tăng hệ thống ra đa thời tiết để nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn, nguồn nước, trong đó gồm cả dự báo tác động, rủi ro thiên tai, cảnh báo sớm. Đầu tư xây dựng các hệ thống hỗ trợ kỹ thuật, phát triển công nghệ dự báo số, tiên tiến, bao gồm dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, các mô hình, các số liệu thời gian thực sử dụng tối ưu số liệu vệ tinh, radar, số liệu hồ chứa… Triển khai các Chương trình của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai, cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai.
Triển khai xây dựng Đề án cấp quốc gia về khoa học công nghệ, tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế về khí tượng thủy văn, tranh thủ sự phối hợp, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như Tổ chức Khí tượng thế giới, Ủy ban Bão quốc tế và các nước tiên tiến nhằm tăng cường công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.
Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng qua đó nâng cao năng lực cho ngành khí tượng thủy văn đáp ứng tốt hơn yêu cầu phòng chống thiên tai, phát triển bền vững.