Đa dạng sinh học là nền tảng của mọi sự sống trên Trái đất

 

Đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa trong trường học

Xuất bản: Chủ nhật - 05/02/2017 15:09 - Xem: 7765

Giáo dục

Giáo dục
Ngày 25/1/2017, Bộ GD&ĐT có văn bản số 282 /BGDĐT-CTHSSV gửi các sở giáo dục và đào tạo; các đại học, học viện, các trường đại học; cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm về việc đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa trong trường học.


Nội dung văn bản nêu rõ: 

Thời gian qua, hầu hết các sở giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm (sau đây gọi tắt là các cơ sở đào tạo) đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về xây dựng môi trường văn hóa trong trường học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Bên cạnh việc triển khai các hoạt động giáo dục, các nhà trường đã chú trọng tổ chức hiệu quả các hoạt động văn hóa, văn nghệ; từng bước xây dựng, hoàn thiện và triển khai bộ quy tắc ứng xử văn hóa, góp phần xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện, giúp học sinh, sinh viên phát huy tính tích cực trong học tập, chủ động tham gia các hoạt động xã hội, rèn luyện kỹ năng sống và định hướng nghề nghiệp; hệ thống các khẩu hiệu trong khuôn viên nhà trường được sử dụng nhìn chung phù hợp và phát huy hiệu quả giáo dục; khuôn viên nhà trường ngày càng xanh, sạch, đẹp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, hệ thống thư viện, hạ tầng công nghệ thông tin và các phương tiện dạy học hiện đại từng bước được đầu tư, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của môi trường giáo dục; đội ngũ cán bộ quản lí, nhà giáo tích cực học tập, nâng cao trình độ, đổi mới phương pháp quản lý, phương pháp dạy học, giáo dục. Môi trường văn hóa học đường, bao gồm cả môi trường vật chất và môi trường tinh thần có nhiều chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, ở một số nhà trường chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của việc giáo dục HSSV thông qua việc tổ chức các hoạt động văn hóa; nội dung, hình thức tổ chức hoạt động chưa phù hợp, một số hoạt động văn hóa còn mang tính hình thức, thiếu sáng tạo và ít đem lại hiệu quả giáo dục, thậm chí gây quá tải, khó khăn cho người học. Việc xây dựng và tổ chức thực hiện quy tắc ứng xử văn hóa ở một số cơ sở giáo dục còn nặng về hình thức, chưa có sự đầu tư đúng mức, nội dung chưa cụ thể, giáo điều, chưa phù hợp với các bậc học.... Ở một số nhà trường, quan hệ ứng xử giữa các thành viên chưa chuẩn mực, chưa theo đúng tinh thần “Tôn sư trọng đạo”. Việc sử dụng khẩu hiệu vẫn còn tình trạng lạm dụng số lượng, nội dung chưa phù hợp lứa tuổi, điều kiện văn hóa các vùng miền...

Để xây dựng mỗi trường học trở thành một trung tâm văn hóa, giáo dục rèn luyện con người về lý tưởng, phẩm chất, nhân cách, lối sống, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các sở giáo dục và đào tạo, cơ sở đào tạo triển khai các nhiệm vụ sau:

1. Tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa

- Các nhà trường cần tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ bằng nội dung và hình thức phù hợp với tình hình chính trị, văn hóa, xã hội, đối tượng tham gia và điều kiện thực tế của địa phương.

- Mỗi cơ sở giáo dục cần xây dựng hệ giá trị, văn hóa đạo đức cốt lõi làm chuẩn mực, để mọi thành viên đồng thuận lấy đó làm mục tiêu phấn đấu.

- Các cơ sở đào tạo cần xây dựng và tổ chức hoạt động các câu lạc bộ văn nghệ, thể thao để tập hợp thu hút và giáo dục toàn diện đối với người học, góp phần xây dựng môi trường học đường an toàn, lành mạnh, thân thiện.

- Phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục và xây dựng môi trường văn hóa trường học. Tăng cường kiểm tra đôn đốc; kịp thời biểu dương, khen thưởng đối với những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc.

2. Xây dựng và triển khai bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học

Quy tắc ứng xử trong trường học là những chuẩn mực, giá trị và hành vi ứng xử văn hóa thông qua các hoạt động giao tiếp, sinh hoạt, làm việc, học tập…, nhằm điều chỉnh cách thức ứng xử của mọi thành viên trong nhà trường theo thuần phong mỹ tục; tạo môi trường làm việc, học tập thân thiện, hợp tác, trách nhiệm, cởi mở, trung thực, văn minh trong nhà trường. Khi xây dựng bộ quy tắc ứng xử văn hóa cần lưu ý một số vấn đề sau:

2.1. Nguyên tắc xây dựng bộ quy tắc ứng xử

i) Bảo đảm định hướng giáo dục đạo đức, lối sống và hoàn thiện nhân cách HSSV;

ii) Phù hợp với chuẩn mực đạo đức đã được xã hội thừa nhận.

iii) Phù hợp với quy định của pháp luật.

iv) Phù hợp với mục tiêu, đặc điểm của nhà trường, ngành Giáo dục; đảm bảo tính thực tiễn và tính khả thi.

iv) Bảo đảm tính dân chủ và nhân văn.

2.2. Yêu cầu đối với bộ quy tắc ứng xử

i) Phải rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ kiểm tra.

ii) Nội dung phải được thảo luận dân chủ và đồng thuận của các thành viên trong nhà trường.

iii) Thể hiện được mối quan hệ nhân văn và thân thiện giữa con người với con người (thầy - thầy, thầy - trò, thầy - phụ huynh, trò - trò, trò - phụ huynh) và quan hệ giữa con người với thiên nhiên, cảnh quan.

iv) Phải được theo dõi, kiểm tra, đánh giá trong quá trình triển khai; kịp thời điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với tình hình thực tế.

Nội dung quy định khung xây dựng qui tắc ứng xử văn hóa trong trường học (theo Phụ lục 1 đính kèm).

3. Xây dựng, sử dụng khẩu hiệu phù hợp trong khuôn viên trường học

3.1. Nguyên tắc xây dựng khẩu hiệu

 - Hệ thống khẩu hiệu phải có nội dung, hình thức phù hợp với mỗi cấp học, điều kiện cụ thể của các vùng miền.

 - Hệ thống khẩu hiệu vừa phải chuyển tải được các giá trị cần lưu truyền đến thế hệ sau, đồng thời cũng là lời hiệu triệu để mọi thành viên trong nhà trường suy ngẫm và cố gắng phấn đấu trong học tập và công tác để góp phần hoàn thiện bản thân và phát triển nhà trường.

- Khẩu hiệu trong nhà trường cần có nội dung ngắn gọn, thể hiện mục đích, ý nghĩa giáo dục, định hướng hành động cho các đối tượng trong nhà trường.

- Nội dung khẩu hiệu phải đảm bảo tính giáo dục, tính thực tiễn, rõ ràng, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, thiết thực, ấn tượng; tính truyền thống và hội nhập; tính thẩm mĩ.

3.2. Yêu cầu xây dựng và sử dụng khẩu hiệu

- Khi xây dựng nội dung khẩu hiệu cần được phân loại theo cấp quản lý với tính bền vững tương ứng. Các sở GD&ĐT cần quy định một số khẩu hiệu chung phù hợp với mỗi cấp học, phù hợp với mục tiêu phát triển giáo dục của địa phương.

- Ngôn ngữ trình bày là ngôn ngữ chính thống dùng trong nhà trường, không sử dụng từ địa phương, từ lóng; có thể sử dụng song ngữ trong một số trường hợp cụ thể nhưng tiếng Việt phải đặt trước các ngôn ngữ khác.

- Mỗi cấp học, trình độ đào tạo cần có những khẩu hiệu riêng phù hợp với từng giai đoạn phát triển nhà trường, của người học.

- Hình thức thiết kế khẩu hiệu tuỳ vào vị trí treo khẩu hiệu hoặc trang trí mỹ thuật phù hợp với cấp học. Vị trí đặt khẩu hiệu cần dễ quan sát, dễ đọc, không bị che khuất và phù hợp với nội dung tuyên truyền.

- Khẩu hiệu thể hiện thông điệp chính của nhà trường: Treo ở vị trí trung tâm trong khuôn viên nhà trường, ở phía trước bên ngoài.

- Khẩu hiệu dành cho giáo viên: Treo ở bên ngoài hoặc trong phòng hội đồng, trong lớp học (phía cuối lớp).

- Khẩu hiệu dành cho học sinh: Treo ở trong lớp (phía trên bục giảng) và ngoài lớp học.

- Những khẩu hiệu khác cần phù hợp với các khu vực hoạt động và không gian của nhà trường.

Định hướng xây dựng và sử dụng khẩu hiệu trong trường học (theo Phụ lục 2 đính kèm).

Bộ GDĐT đề nghị giám đốc các sở GD&ĐT, thủ trưởng các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm căn cứ tình hình thực tiễn xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện nhằm xây dựng môi trường văn hóa trường học lành mạnh, an toàn, thân thiện, góp phần hoàn thiện nhân cách, đạo đức lối sống văn hóa cho trẻ em, HSSV và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.

Các sở GDĐT và các cơ sở đào tạo báo cáo kết quả thực hiện các nội dung nói trên, các kiến nghị và đề xuất (nếu có) về Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Vụ Công tác học sinh, sinh viên) theo đường công văn và email: vdbinh@moet.gov.vn trước tháng 8 hàng năm.

Xem chi tiết nội dung văn bản TẠI ĐÂY


Xem tin gốc
 

Nguồn tin: Báo Giáo dục & Thời đại

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Giới thiệu

Thanh tra nhân dân

Ban thanh tra nhân dân:   STT Họ tên Chức vụ 1 Nguyễn Hồng Nguyên TB 2 Nguyễn Văn Khương TV 3 Trương Ngọc Hiếu TV  

Thăm dò ý kiến

Bạn nghĩ thế nào về hình thức và nội dung của trang web trường hiện tại?

Hỗ trợ
hotline02703

KỸ THUẬT
Lê Tấn Tài
0986.305335
admin@thpthoabinhvl.edu.vn
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây